Phụ nữ có thai bị viêm họng dùng thuốc thế nào?

Viêm họng là một bệnh rất thường gặp ở mọi đối tượng trong đó có phụ nữ mang thai. Biểu hiện viêm họng ở đối tượng này cũng giống như viêm họng thông thường, đó là sốt, ho, đau rát họng… Trong trường hợp phải dùng thuốc điều trị, phụ nữ mang thai cần tuân thủ triệt để theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu là viêm họng do vi- rút: thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng…  Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm aspirin vì thuốc này dễ  gây quái thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đối với 3 tháng cuối của thai kỳ thuốc còn gây ra các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung… Ngoài ra, thuốc còn có thể gây kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ. 

Phụ nữ có thai bị viêm họng dùng thuốc thế nào? 1
Phụ nữ mang thai cần tuân thủ triệt để theo hướng dẫn của thầy thuốc
  Chỉ sử dụng thuốc ho khi ho làm ảnh hưởng tới thai phụ như ho nhiều, liên tục có thể ảnh hưởng đến thai như sảy thai…

Trường hợp viêm họng do vi khuẩn: Ngoài dùng thuốc hạ sốt cần phải dùng kháng sinh. Khi phải dùng thuốc này thầy thuốc phải lựa chọn nhóm thuốc nào an toàn nhất, ít gây hại nhất cho thai nhi. Nhóm kháng sinh hay dùng cho đối tượng này là bê-ta lactam (gồm các thuốc penicillin, ampicilin, amoxicillin, cephalosporin…). Các thuốc này có tác dụng tốt với các vi khuẩn hay gây bệnh viêm họng như tụ cầu, liên cầu, phế cầu… Hơn nữa thuốc an toàn cho phụ nữ có thai kể cả trong 3 tháng đầu. Đối với những người bệnh bị dị ứng với các thuốc trên có thể dùng nhóm kháng sinh macrolid (bao gồm các thuốc erythromycin, spirammycin, azithromycin… 

Ngoài việc sử dụng kháng sinh có thể dùng một số thuốc ngậm tại chỗ  như lysopain, mekothrocine, benzoncain, papain… Với các thuốc ngậm này có thể có thêm kháng sinh hoặc giảm đau trong thành phần. Kháng sinh có mặt trong thành phần của thuốc sát khuẩn họng dạng ngậm thường là bacitracine. Ngoài ra, trong thuốc còn có chất lysozyme có tác dụng chống viêm, giảm phù nề hoặc tinh dầu bạc hà…

Việc dùng thuốc cho đối tượng này phải hết sức thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, để tránh thuốc làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, phụ nữ có thai không được tự điều trị viêm họng. Việc điều trị phải có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng và sản khoa. 

BS. Nguyễn Bích Ngọc

Phát hiện thai sớm

Đa phần những phụ nữ đã từng làm mẹ cảm nhận sự mang thai tương đối dễ dàng, họ cảm thấy một chút nghi ngờ và có thể sử dụng que thử thai, đi khám. Nhưng cũng khá nhiều trường hợp nhất là ở nông thôn, vùng sâu, miền núi người phụ nữ đã mang thai mà không hề biết. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, người phụ nữ phải đi khám sớm ngay từ khi có những dấu hiệu nghi ngờ mang thai.

Sau đây là những dấu hiệu sớm nhất để nghĩ đến khả năng đã có thai

Đau ngực: Khi có thai ngực của phụ nữ thường căng hơn bình thường, cảm giác hơi đau là đặc trưng cơ bản. Bởi vì ngực là khu vực tập trung nhiều hormone nhạy cảm. Sau khi trứng được thụ tinh, hàm lượng progesteron và HCG (nội tiết tố thai nghén) trong cơ thể bạn thay đổi, khiến ngực trở nên căng và nặng nề hơn bình thường.

Phát hiện thai sớm 1
Khi có dấu hiệu nghi ngờ có thai cần đến cơ sở y tế để được khám để xác định chuẩn xác

Ra máu âm đạo: Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, mang thai thì không thể ra máu nhưng rất nhiều trường hợp có đến 25% thai phụ có dấu hiệu ra máu nhẹ trong thời kỳ đầu mang thai. Ra máu ít không giống như kỳ kinh nguyệt bình thường mà ra ít “còn gọi là máu báo” do trứng làm tổ ở nội mạc tử cung gây nên. Nếu bạn thấy mình bỗng dưng ra máu nhẹ và rải rác, nên nghĩ đến việc có thể mang thai… tuy nhiên một số ít người không có trạng thái.

Mệt mỏi: Rất nhiều người phụ nữ có thai đều cảm thấy mệt mỏi. Trong hai tuần đầu tiên sau khi thụ thai, cơ thể bạn cần tạo nhiều máu hơn để đem dưỡng chất đến cho thai nhi. Cơ thể cũng thay đổi do mất cân bằng hormone khi mang thai. Những yếu tố trên khiến bạn lâm vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ…

Vú sậm màu: Sự thay đổi hormone khi mang thai cũng làm xáo trộn hoạt động của các loại tế bào biểu bì tạo hắc tố trên da. Kết quả, quầng vú bắt đầu sậm màu hơn.

 Buồn nôn: Một số thai phụ có xu hướng phải đối mặt với tình trạng buồn nôn gia tăng vào buối sáng trong khi một số phụ nữ khác thấy buồn nôn suốt cả ngày, nhất là khi chưa ăn gì.

Thèm ăn: Nếu bạn bỗng dưng thèm các đồ ăn chứa vị chua, ngọt thì có thể bạn đã mang thai. Tuy nhiên, nếu bị nôn nhiều thì một số thai phụ lại có cảm giác chán ăn hơn là thèm ăn. Sau khi cơ thể đã quen dần với quá trình mang thai, bạn sẽ thấy dễ chịu và ăn ngon miệng hơn.

Chậm kinh: Nhiều trường hợp phụ nữ không nhớ ngày chu kỳ kinh nguyệt, nhưng có thể căn cứ khoảng thời gian nhất định như chậm kinh trên 10 ngày ở một phụ nữ kinh nguyệt đều và đang có sinh hoạt tình dục phải nghĩ ngay đó có thể là một trong những dấu hiệu mang thai. Tuy nhiên có những trường hợp có thai mà không nhận biết được chậm kinh như:  những trường hợp kinh thưa, phụ nữ đang cho con bú,…

Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ có thai cần đến cơ sở y tế để được khám để xác định chuẩn xác. Nếu có thai cần đăng ký khám theo dõi thai định kỳ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Tuấn